Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo một số giải pháp phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH
để thực hiện phân luồng hướng nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thời gian qua ngành Giáo dục đã phối hợp rất tích cực với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện phân luồng học sinh THPT. Tuy nhiên kết quả phân luồng đến nay vẫn chậm.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ LĐ -TB &XH có một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phân luồng học sinh. Trước hết, rà soát lại một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng phân luồng chậm. Tiếp theo là tập trung nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông và giáo dục nghề nghiệp ở bậc THPT để cho các em được tiếp cận được với nghề nghiệp và thị trường lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hiện nay, ngành Giáo dục đang đẩy mạnh giáo dục theo hướng STEM, tức là giáo dục gắn với thực tiễn kỹ thuật công nghệ và nhận thấy các em học sinh rất hào hứng. Đây được coi là một trong những giải pháp tích cực nhằm giúp cho học sinh được tiếp cận với nghề nghiệp để xác định được hướng đi trong tương lai.
Thống kê đăng ký xét tuyển vào đại học trong những ngày vừa qua cho thấy dấu hiệu phân luồng rõ ràng hơn. Điều này cho thấy kết quả bước đầu của việc đổi mới chính sách tăng cường hướng nghiệp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố mới đây để lấy ý kiến dư luận đã có sự tính toán rất kỹ tới yêu cầu hướng nghiệp.
Cụ thể, chương trình dành cho bậc giáo dục trung học phổ thông sẽ không dàn trải, nặng kiến thức mà tập trung vào các môn học mang tính chất hướng nghiệp để các em lựa chọn trong quá trình học lớp 11, 12. Đồng thời cũng theo thiết kế của chương trình, học sinh có thể chuyển sang học nghề ngay sau THCS.
Tới đây, Bộ GD&DT sẽ nâng chuẩn đầu vào cũng như thắt chặt chất lượng đại học, coi đó là một trong những giải pháp thiết thực để học sinh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân. Đồng thời hỗ trợ việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp thông qua việc cung cấp một đội ngũ giáo viên sư phạm kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có tay nghề thực tiễn.
“Hiện nay cả nước có 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật, trong đó có 2 trường thuộc quản lý trực thuộc của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT đã làm việc với các trường để bàn giải pháp tăng cường đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy nghề thật tốt để đào tạo ra những giáo sinh thạo về kỹ thuật nghề nghiệp” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp Bộ LĐ-TB&XH để xây dựng và trình Thủ tướng ban hành Quyết định đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các bậc đào tạo của đại học.
“Đây là một “điểm nghẽn” khiến các em học sinh còn ngại ngần khi vào học giáo dục nghề nghiệp vì có ít cơ hội chuyển sang học bậc trên. Chúng tôi sẽ giải quyết điểm nghẽn này. Khi quyết định được ban hành các em học sinh trong quá trình học nghề, nếu có điều kiện, có năng lực sẽ tiếp tục được học lên đại học. Như vậy vừa tạo ra sự liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, vừa tạo động lực cho các em khi lựa chọn giáo dục nghề nghiệp” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Nguồn tin: www.moet.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn