c1111

Soạn và Kiểm tra Giáo án: Có cần hay không?

Chủ nhật - 27/05/2018 20:45
TÂN TIẾN – Trong những ngày này, trong vai trò là một quản lý chuyên môn, tôi biết các giáo viên của tôi đang đau đầu và mệt mỏi vì Giáo án các môn mình đảm nhận phải hoàn thiện. Có rất nhiều câu hỏi đã được nêu lên trong suy tư của quý thầy cô: Có cần phải soạn giáo án không? Giáo án của tôi, tại sao bộ phận quản lý phải đòi kiểm tra, có cần thiết không? hay việc soạn giáo án theo mẫu, soạn giáo án điện tử lâu nay đã đặt ra các câu hỏi tưởng như không cần phải trả lời.
 
DSCN9618
DSCN9618
TÂN TIẾN – Trong những ngày này, trong vai trò là một quản lý chuyên môn, tôi biết các giáo viên của tôi đang đau đầu và mệt mỏi vì Giáo án các môn mình đảm nhận phải hoàn thiện. Có rất nhiều câu hỏi đã được nêu lên trong suy tư của quý thầy cô: Có cần phải soạn giáo án không? Giáo án của tôi, tại sao bộ phận quản lý phải đòi kiểm tra, có cần thiết không? hay việc soạn giáo án theo mẫu, soạn giáo án điện tử lâu nay đã đặt ra các câu hỏi tưởng như không cần phải trả lời.
 
Quý thầy cô rất thân mến!
Đằng sau những câu hỏi đó có thể là những lầm lẫn, ngộ nhận, phiền trách, thậm chí là khó chịu và gây chán nản cho các giáo viên (đặc biệt những người mới bước vào nghề này). Vì thế, tôi thiết nghĩ nên rất cần sự thảo luận rộng rãi từ cả phía giáo viên và người quản lý, và tôi đã quyết định viết bài này trong một nghĩa thảo luận và cảm thông từ một người quản lý về chuyên môn tại một trường dạy nghề bậc Trung Cấp.

Giáo án là gì?
Từ điển bách khoa Việt Nam (bachkhoatoanthu.vass.gov.vn) giải thích giáo án là “kế hoạch và dàn ý giờ lên lớp của giáo viên...”, Bộ Giáo dục và đào tạo (2011) định nghĩa “giáo án là kế hoạch giảng dạy của giáo viên dự định thực hiện cho một bài học, một tiết học hay một buổi lên lớp”. Như vậy, giáo án có nghĩa là một bản kế hoạch và thay đổi tùy thuộc vào đối tượng, điều kiện dạy học dù cùng một mục tiêu, nội dung. Chẳng hạn, phương pháp dạy học của giáo viên sẽ khác nhau giữa lớp có học lực trung bình và khá, thiết bị dạy học sẽ khác nhau tùy điều kiện của trường. Hay giáo viên có phong cách giao tiếp sôi nổi sẽ lập kế hoạch dạy học khác với giáo viên có phong cách trầm lặng.   

Tóm lại, vì nó là kế hoạch của giáo viên nên nó sẽ tùy thuộc vào Giáo viên, vào đối tượng, vào điều kiện giảng dạy và thiết bị của nơi mình giảng dạy. Nó không cố định nhưng luôn được bổ sung và thay đổi theo từng điều kiện.

Vậy câu hỏi được đặt ra: Có cần soạn giáo án không?

Câu trả lời là có và không.

Trước hết,
Có là bởi không thể làm một việc nào đó đạt hiệu quả mà không có kế hoạch, trừ khi nó quá đơn giản hay ta đã giỏi (được đánh giá là thông suốt vấn đề và thành thào về chuyên môn). Trong khi đó, dạy học là một hoạt động phức tạp, cần có sự chuẩn bị kỹ càng cho từng hoạt động thực hiện tại lớp học để đạt được mục tiêu dạy học. Vì vậy giáo án càng được đầu tư, biên soạn tốt thì càng đảm bảo hiệu quả dạy học dù ở trình độ đào tạo nào. Đặc biệt là khi đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học thì càng phải đầu tư công sức để soạn giáo án.

Thứ đến,
Không là khi giáo viên chỉ quan tâm tới nội dung dạy học mà không cần chú ý đến mục tiêu hay phản hồi của người học (nên nhớ một việc làm không có mục tiêu là một việc làm vô nghĩa, không được lượng giá là không thấy được khiếm khuyết và không thể tiến bộ). Tức là chỉ tìm cách chuyển tải hết nội dung theo thời lượng quy định, người học có được gì hay không sau giờ học thì không thể biết được (làm hết giờ ăn lương mà không cần đến cái tâm của nhà giáo). Dạy học bằng thuyết giảng là phương pháp chủ yếu trong trường hợp này, giáo viên hoàn toàn thuộc nội dung dạy học để truyền đạt mà không cần chuẩn bị gì.

Tiếp đó, không là khi giáo viên đã trở nên thành thạo, nhuần nhuyễn trong nội dung dạy học đó và luôn đạt được hiệu quả dạy học. Nhưng điều này chỉ có được qua quá trình khổ công soạn giáo án và rèn luyện giảng dạy. Tức là giáo án đã được soạn, được điều chỉnh nhiều lần, hoàn thiện nhiều đến mức từ “kỹ năng thành kỹ xảo”, không cần phải soạn lại nữa. Khi đó, giáo viên chỉ cần chuẩn bị theo cách gạch đầu dòng các nội dung quan trọng, cốt yếu.

Ví dụ như, ta có thể xem loạt bài giảng về công lý của GS Michael Sandel (ĐH Harvard) ở youtube.com, ta sẽ thấy vị giáo sư danh tiếng này thỉnh thoảng nhìn vào vài tờ giấy chuẩn bị sẵn để giảng, hết nội dung thì lật sang tờ khác. Phải chăng đó là… giáo án của giáo sư?

Nên soạn giáo án theo mẫu không?

Rõ ràng là làm việc theo cách có sẵn luôn dễ hơn phải mò mẫm, tìm tòi. Có mẫu giáo án sẽ thuận tiện cho giáo viên thiết kế bài giảng, đặc biệt với giáo viên không tốt nghiệp trường sư phạm (Đại học, cao đẳng sư phạm) hay giáo viên mới vào nghề. Quy định mẫu giáo án có lẽ là cách thức thuận lợi cho quản lý dạy học, ta có thể đảm bảo rằng giáo viên lên lớp với đầy đủ nội dung theo mẫu thống nhất. Từ năm 2008, Bộ LĐ-TB&XH đã quy định 3 mẫu giáo án (lý thuyết, thực hành, tích hợp) sử dụng chung cho toàn bộ hệ thống dạy nghề.

Mẫu giáo án sẽ được linh động (không đóng khung và cứng nhắc) khi giáo viên đã có kinh nghiệm lâu năm trong công việc này. Ví dụ như nếu Giáo viên muốn tạo ra sự mới lạ bằng cách thay đổi kết cấu, trình tự hay nội dung bài giảng thì mẫu giáo án xem ra là một trở ngại. Hay khi đã thực hiện nhuần nhuyễn nội dung dạy học đó rồi mà vẫn phải viết ra đầy đủ theo mẫu từ năm này qua năm khác thì quả là vô ích. Trong khi điều lệ các hội thi giáo viên dạy giỏi không quy định mẫu giáo án và “sáng tạo trong chuẩn bị giáo án” luôn được khuyến khích.

Đồng thời về mặt quản lý, kiểm tra theo mẫu giáo án chỉ là hình thức, phần quan trọng hơn cần phải kiểm tra là nội dung được viết trong đó có đảm bảo chất lượng đào tạo không thì ít được đề cập. Ngay cả tổ trưởng bộ môn cũng chưa chắc đọc hết được giáo án của giáo viên do mình quản lý. Vì vậy mẫu giáo án có cần thiết y nguyên như mẫu không thì không quan trọng lắm, giáo viên cần phải luôn sáng tạo trong thiết kế dạy học miễn sao đừng bỏ qua những yếu tố căn bản cần phải có để đạt được mục tiêu bài giảng của mình. Mẫu giáo án chỉ là kim chỉ nam hướng dẫn những yếu tố cần thiết một bài giảng phải có mà thôi, phần còn lại là ở giáo viên sẽ thêm hương vị, cách thức thực hiện và nội dung truyền tải cho phù hợp với kiến thức, kỹ năng.

Chúng ta nói nhiều đến giáo án điện tử, đã trao đổi hội thảo với nhau, vậy tôi xin hỏi: Thế nào là giáo án điện tử?

Thuộc tính “điện tử” đang được sử dụng rộng rãi với nhiều đối tượng khác nhau. Ví dụ thư điện tử là chuyển nhận thư qua máy tính và Internet bằng các phần mềm hỗ trợ. Thương mại điện tử là mua bán trên Internet và các mạng máy tính. Như vậy, đặc trưng của thuộc tính “điện tử” không chỉ là định dạng, lưu trữ hay chia sẻ điện tử mà còn là hệ thống mạng máy tính, Internet, ứng dụng CNTT và những thông lệ, quy định mang tính quốc gia và toàn cầu.

Do đó, giáo án chỉ đơn giản được soạn trên máy tính thì không thể gọi là giáo án điện tử. Hầu như không có tác động khác biệt nào đến tiến trình dạy học giữa giáo án soạn trên giấy và soạn trên máy vi tính. Không thể gọi đó là ứng dụng CNTT trong dạy học. Một nội dung dạy học được soạn và trình chiếu bằng các ứng dụng CNTT thì rất khác biệt so với nội dung dạy học truyền thống nhưng nó lại không thể được gọi là giáo án, mà phải gọi là bài giảng hay bài trình chiếu mà thôi.

Dù là bài giảng hay bài trình chiếu cũng đều phải thực hiện theo giáo án. Không nên sử dụng khái niệm giáo án điện tử, mà chỉ có giáo án với vai trò là bản kế hoạch dạy học của giáo viên. Dĩ nhiên soạn giáo án trên máy vi tính lợi ích hơn nhiều so với bản giáo án viết tay (vì thế cần phải trao dồi hơn nữa kỹ năng về công nghệ thông tin để biên soạn giáo án trên máy vi tính được tốt hơn).

Kiểm tra giáo án là điều bắt buộc của bộ phận quản lý, tuy nhiên chúng ta cần thảo luận xem nên kiểm tra giáo án bằng cách nào?

Tình trạng giáo viên trắng đêm chép hay in giáo án để đối phó với thanh tra cho thấy việc kiểm tra giáo án là hoàn toàn hình thức và không giúp gì cho đảm bảo chất lượng giáo dục. (đã dạy xong bài rồi mới soạn giáo án thì có ích lợi gì nữa, đó chỉ là để đối phó mà thôi! Học viên lúc này cũng chẳng còn ở vị trí trung tâm của hoạt động giáo dục nữa, chúng trở thành những vật thí nghiệm – phép thử cho những người được gọi là kỹ sư tâm hồn mà thôi)

Đọc tác phẩm Người thầy (NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2012) của nhà giáo Frank McCourt, ta sẽ không tìm thấy dòng nào về kiểm tra giáo án trong hơn 30 năm dạy trung học của ông, mà chúng ta chỉ đọc thấy là có thanh tra giáo dục đến lớp dự giờ không báo trước mà thôi. Giáo án là bản kế hoạch, mọi bản kế hoạch dù tốt đều cần thực thi mới đánh giá được hiệu quả cuối cùng. Kiểm tra giáo án nên là trách nhiệm của tổ trưởng bộ môn (trưởng khoa) và giáo viên là người soạn giáo án. Cách kiểm tra giáo án tốt nhất là “dự giờ không báo trước”, chỉ như thế ta mới có thể đánh giá được sự chuẩn bị giờ lớp của giáo viên và kế hoạch giảng dạy của giáo viên như thế nào mà thôi.
 
Vâng kính thưa quý thầy cô, “giáo dục là công việc của cõi lòng”: câu nói của Don Bosco mà chúng ta đọc được khi đi từ cổng trường vào phải là khẩu hiệu trong tim của từng nhà giáo chúng ta. Chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi nếu mọi sự chúng ta làm không xuất phát từ con tim. Sẽ không có hy sinh và thậm chí chấp nhận chết cho một ai đó nếu không có tình yêu mãnh liệt. Học viên sẽ trở thành những “con chuột thí nghiệm” nếu không có một chút yêu thương từ người thầy,  ‘vì các con cha học hỏi, vì các con cha sống, vì các con cha làm việc, vì các con cha sẵn sàng hy sinh mạng sống mình” (Don Bosco) câu khẩu hiệu trong phòng họp phải luôn thúc dục chúng ta sẵn sàng hy sinh đôi chút có vẻ là khó khăn và khó chịu cho ta đó nhưng nên nhớ rằng “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường sẽ bớt đổ máu”, chúng ta càng chuẩn bị kỹ càng bài giáo án của mình thì học sinh sẽ càng được lợi từ những hy sinh âm thầm của chúng. Đó cũng là lý do mà hình ảnh người thầy được ví sánh với ngọn nến, nến càng cháy lớn, càng soi sáng thì sẽ càng tiêu hao, càng được trân quý.

Nghề nào cũng vậy, đều cần có sự chuyên nghiệp từ những điều nhỏ nhất.. Chúng ta không thể xây một tòa nhà, mà không chắt ghép nên từ từng viên gạch nhỏ. Và chẳng có công việc nào, không cần cố gắng, không cần nỗ lực, mà tự nhiên có thể hoàn thành tốt!
 
Đây cũng là tất cả tâm tình của một người đưa đò như quý thầy cô, thêm vào đó là trách nhiệm của một người quản lý phải đối diện với những câu hỏi của cấp quản lý, của những đối tác, nhà đầu tư, của phụ huynh và cả những học viên về chất lượng học tập và rèn luyện đạo đức, về tư cách và tác phong của một người thầy, về tương lai của những thế hệ đàn em sau này, và về sứ mệnh mà tôi là một người con của Don Bosco vẫn hằng thao thức và hy vọng về những người chủ tương lai của đất nước, của xã hội, của gia đình...
 
Kính chúc quý thầy cô có một mùa hè đầy tràn niềm vui bên gia đình và người thân, có những kỳ nghỉ bổ ích và có được động lực để cống hiến tiếp tục cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai.
 

Tác giả bài viết: Fr Xuân Quang sdb

Nguồn tin: Trưởng Phòng Đào Tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Flycam Giới thiệu về Trường

Giới thiệu về ban lãnh đạo trường

NHÂN SỰ VÀ CHỨC VỤ 1. Hội Đồng Quản Trị Chủ tịch:         Lm Anton Nguyễn Anh Tuấn Thành viên:    Lm Giuse Phạm Quốc Phong                        Lm Phêrô Nguyễn Bá Quỳnh      ...

Thăm dò ý kiến

Bạn truy cập trang web này với mục đích chủ yếu nào ?

Tầm Nhìn - Sứ Mệnh
pts (25)
Đối tác liên kết
tocontap
Công ty Tocontap SG JSC
cty duong cao toc viet nam
Đường Cao Tốc VN
dai tu hung
CTy TNHH Đại Tứ Hùng
ct co phan dau tu sai gon gia tri
CTy CP Giá Trị Sài Gòn
Garage Trung Duy
CTy TNHH Garage Trung Duy
jvnet
CTy đầu tư nhân lực JVNET
lilama
CTy CP LILAMA 18
samsung vn
samsungdisplay VN
CTy Samsung Display VN
logo nhatquang
CTy Đào Tạo Nhân Lực Miền Nam
svilaco
SVICBAOLOC
CTy SViC Bảo Lộc
du hoc nhan phu
CTy Du Học Nhật Bản Nhân Phú
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây