Tác động của mối quan hệ Dạy nghề - Doanh nghiệp đến chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề trong bối cảnh hiện nay
Thứ ba - 04/04/2017 10:00
Chất lượng đào tạo nghề (ĐTN) là chất lượng đội ngũ lao động kĩ thuật được ĐTN theo mục tiêu và chương trình dạy nghề và được xem xét ở hai mặt: - Kết quả đào tạo (ĐT) của nhà trường theo mục tiêu ĐT (chủ quan); - Hiệu quả sử dụng của cơ sở sản xuất dịch vụ, thông qua thị trường lao động (khách quan).
Chất lượng ĐTN liên quan chặt chẽ với hiệu quả ĐT. Hiệu quả ĐT là mức độ đạt được của các mục tiêu ĐT, sự đáp ứng kịp thời các yêu cầu của nhà trường, sự chi phí tiền của, sức lực và thời gian sao cho ít nhất nhưng đem lại hiệu quả cao nhất. Vì thế, chất lượng và hiệu quả trong ĐTN có thể xem là giá trị sản phẩm mà quá trình ĐT mang lại lợi ích cho xã hội, nhà trường, gia đình và người học.
Trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay, chất lượng ĐT là một khái niệm tương đối, nó phụ thuộc cả vào yêu cầu khách quan của người sử dụng lao động chứ không do ý chí chủ quan của người làm công tác ĐT. Chất lượng ĐTN chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố và mức độ tác động của các yếu tố không giống nhau.
Xét ở mọi góc độ thì tác động của mối quan hệ này đều có ý nghĩa không chỉ đối với người học, với cơ sở dạy nghề (CSDN), doanh nghiệp (DN) mà với cả xã hội. Sự hợp tác này mang lại nhiều lợi ích.
1/Lợi ích của mối quan hệ giữa Nhà trường với DN trong ĐTN
Đối với Nhà trường:
- Trao đổi, chia sẽ thông tin về nhu cầu việc làm như: số lượng cần tuyển dụng theo nghề và trình độ, cơ cấu ngành nghề, yêu cầu về thể lực, trí lực, cũng như các năng lực khác; Các chế độ cho người lao động như tiền lương, môi trường và điều kiện làm việc; Thường xuyên có thông tin phản hồi cho nhà trường về mức độ hài lòng đối với chất lượng ĐT. Giúp dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.
- DN tham gia với nhà trường trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình ĐT và tham gia đánh giá chất lượng người học. Nhờ vậy chương trình ĐT thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mà sản xuất đang áp dụng, tạo điều kiện cho người học sau khi tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm.
- Cung cấp các thông tin phản hồi về năng lực của người học đang làm việc tại DN giúp nhà trường điều chỉnh kịp thời chương trình ĐT cho các khoá tiếp theo. DN giúp hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp với nhu cầu DN và sắp xếp việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
- Là nơi để giáo viên và người học tiếp cận với công nghệ, phương tiện sản xuất tiên tiến, giúp họ học tập, rèn luyện tay nghề trên các thiết bị thực tế, hiện đại, những thiết bị đắt tiền mà nhà trường không thể có. Từ đó giáo viên và người học hiểu được qui trình công nghệ sản xuất và trực tiếp làm ra sản phẩm. Điều này giúp người học tự tin sau khi ra trường có thể tự tạo việc làm. Qua đây nhà trường cũng huy động được những chuyên gia, kỹ sư, công nhân giỏi trong sản xuất tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo (Ở Mỹ 50% giảng viên trực tiếp giảng dạy đến từ các doanh nghiệp).
- DN hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, kinh phí ĐT, học bổng cho người học... CSDN tiết kiệm được chi phí đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu dạy thực hành.
Đối với DN:
- Có một lực lượng lao động “phụ” để thực hiện công việc là người học thực tập tại DN, tiền công rẻ. Đây cũng là cơ hội để DN theo dõi và tuyển chọn được những học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu;
- DN đặt hàng cho nhà trường, cùng với nhà trường nghiên cứu, sản xuất, phát triển các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường;
- Ngoài ra nhà trường cũng có thể trực tiếp đào tạo về năng lực sư phạm cho các kỹ sư của DN – những người trực tiếp hướng dẫn cho học sinh, sinh viên thực tập. Giúp DN có thể tự ĐT, ĐT lại, ĐT nâng cao, đào tạo theo nhu cầu.
Đối với người học:
- Được học và tiếp cận với đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, tiếp cận với những phương tiện, thiết bị hiện đại, giúp người học nhanh chóng hình thành được những kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động, cũng như rèn luyện tác phong công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp.
- Có nhiều cơ hội để tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, sớm thích ứng với công việc không cần phải bồi dưỡng hoặc ĐT lại (đây là vấn đề mà nhiều đơn vị sử dụng lao động thường xuyên phàn nàn).
- Thông qua học, thực tập tại môi trường thực tế, giúp người học có thêm động lực học tập, nghiên cứu, rèn luyện, trải nghiệm. Từ đó kích thích người học sự say mê, tính sáng tạo, lòng yêu nghề.
Đối với Nhà nước:
Chất lượng và hiệu quả của hệ thống ĐT được nâng cao, có đội ngũ nhân lực đáp ứng được nhu cầu thực tế của sản xuất để công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, giảm thiểu đội ngũ nhân lực đã qua ĐT bị thất nghiệp và tránh được lãng phí về đầu tư cho ĐTN.
2/ Thực trạng mối quan hệ giữa Dạy nghề với DN tại Việt Nam.
Ở nước ta, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm cho đào tạo nghề. Trong đó đặc biệt chú trong đến mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Mối quan hệ này đã được Đảng ta nêu lên trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá VII: “xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo với các cơ quan quản lý nhân lực và việc làm, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực”.
Trong Quyết định Số: 630/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020" đã ghi rõ cần thực hiện đồng bộ 9 giải pháp, trong đó giải pháp: Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của DN để nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo nghề.
Công tác dạy nghề đã từng bước được đổi mới và phát triển đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về qui mô, số lượng, chất lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề, đào tạo với sử dụng lao động theo hướng cầu của thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xét ở góc độ chất lượng và hiệu quả đào tạo so với sự quan tâm, đầu tư của xã hội thì kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng.
Một nghịch lý đang tồn tại là trong khi các xí nghiệp, các khu chế xuất đang cần hàng vạn công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư thì vẫn có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, phải chăng là chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo hiện nay là chưa phù hợp.
Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển nhân lực công nghiệp, tuy nhiên ngay lúc này đã thấy rõ sự thiếu hụt một đội ngũ lao động kỹ thuật để tiến hành CNH, HĐH đất nước, mặt khác làm cho chất lượng và hiệu quả đào tạo thấp và gây lãng phí lớn cho Nhà nước, cũng như cho xã hội và người học.
Đào tạo và sử dụng nhân lực có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, tác động lẫn nhau theo quan hệ cung cầu. Các cơ sở đào tạo đã nhận thức rõ về vấn đề này và đã chú trọng đến đào tạo theo nhu cầu. Đào tạo theo nhu cầu phải dựa trên nhu cầu của DN về kỹ năng, kiến thức và thái độ. Để có được được những thông tin đó cần phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ nhà trường và DN. Hầu hết các CSDN đều nhận thức được tầm quan trong của mối quan hệ này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các CSDN còn gặp một số khó khăn, như sau:
- Hiện nay, nước ta đã có chủ trương về xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với DN. Tuy nhiên, chưa có những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển mối quan hệ hợp tác này, như chính sách đối với nhà trường, với DN, với công nhân kỹ thuật, kỹ sư của DN tham gia giảng dạy, với người học khi học tập tại DN...
- Mối quan hệ giữa nhà trường và DN hiện nay đang là mối quan hệ tự nhiên dựa trên nhu cầu của 2 bên, chưa có được mô hình và cơ chế liên kết phù hợp, chưa có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý giúp cho mối quan hệ này phát triển bền vững.
- Phần lớn các trường và nhất là các DN, đặc biệt là các DN nhà nước chưa nhận thức được sự cần thiết và lợi ích của mối quan hệ này cho cả đôi bên, do vậy thiếu hào hứng và tích cực trong việc hợp tác.
- Chương trình khung đào tạo nghề hiện nay chưa linh hoạt, 30% được phép thay đổi chưa đủ đáp ứng với nhu cầu của các DN.
- Người học nghề, người dạy nghề hiện đang chịu thiệt thòi về cơ chế, chính sách chế độ, về lương, về các điều kiện ưu đãi khác. Việc tìm chỗ đứng trong các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, DN nhà nước rất khó khăn. Có nhiều DN trong đó có cả các doanh nghiệp FDI tuyển lao động không qua ĐT, trong đó có lao động chưa tốt nghiệp THPT để có chi phí nhân công giá rẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dạy nghề khó tuyển sinh và nhiều người học nghề khó tìm được việc làm.
Để phát huy được những lợi ích có được từ mối quan hệ Dạy nghề - DN, cũng như hạn chế được những tồn tại bấy lâu nay, trước hết chúng ta cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau
3/ Các giải pháp phát triển mối quan hệ giữa Nhà trường với DN Trong bối cảnh hiện nay
3.1. Xây dựng chính sách: Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách nhằm thiết lập các “ràng buộc” giữa nhà trường và DN, đồng thời cũng gắn trách nhiệm của DN trong quá trình ĐTN và sử dụng nguồn nhân lực qua ĐTN. Chính sách phải cụ thể và đồng bộ để khuyến khích nhà trường, DN, người dạy, người học… trong việc thực hiện mối quan hệ hợp tác này.
3.2. Công tác thông kê, tổng hợp và dự báo: Bộ LĐTB&XH cần xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động (TTLĐ) một cách chính xác khoa học và đầy đủ nhằm: gắn kết đào tạo và sử dụng lao động, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động, … để các CSDN có được số liệu tổng quan về nhu cầu của DN trước mắt và lâu dài.
3.3. Tăng cường tuyên truyền để các DN thấy được lợi ích cũng như trách nhiệm trong ĐTN:Cần có sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền để làm rõ các lợi ích cũng như sự ảnh hưởng tích cực từ việc cộng tác giữa CSDN với DN đối với chất lượng lao động qua ĐTN cũng như giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo.
3.4. Tăng cường vai trò tự chủ của CSDN về chương trình đào tạo: TCDN sớm thay chương trình khung ĐTN bằng khung chương trình để các trường căn cứ vào đó chủ động xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của DN. Trong đó những nội dung chuyên môn “sâu” phải được tổ chức đào tạo tại DN.
3.5. Các DN sử dụng lao động cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
Có cam kết với chính quyền sở tại là 100% người lao động phải qua đào tạo, xây dựng các quy định đểtổ chức đào tạo - dạy nghề cho lao động dưới các hình thức khác nhau nhằm nâng cao trình độ tay nghề và chất lượng lao động.
DN ký hợp đồng tuyển dụng với nhà trường và hàng năm đều có quy định về việc hỗ trợ cho các sinh viên nghiên cứu khoa học và trao học bổng cho các sinh viên có thành tích xuất sắc trên địa bàn.
Có kế hoạch trong việcliên kết với CSDN, giúp CSDN mở rộng hình thức dạy nghề tại chỗ. Ngoài ra, thực hiện liên kết đặt hàng đào tạo tại các CSDN. Tham gia xây dựng chương trình giáo trình đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề .
3.6. Về phía các CSDN: Cần xây dựng các kế hoạch, các quy định, các văn bản hướng dẫn, … thường xuyên đánh giá và công khai các kết quả đạt được liên quan đến một số nội dung sau:
Đổi mới chương trình đào tạo, hướng đến nhu cầu thực tế của các DN, tăng cường thực hành, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm. Khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo gắn với thực tế sản xuất của DN để có kinh nghiệm thực tiễn giúp người học có khả năng thích ứng với yêu cầu DN; Nắm bắt nhu cầu đào tạo của DN và người lao động để tiến hành đào tạo theo nhu cầu, đào tạo theo địa chỉ.
Đa dạng hóa hình thức, nội dung phối hợp giữa nhà trương với DN như: Ký kết các hợp đồng đào tạo; Phối hợp với các DN để tổ chức cho người học thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp tại DN; Hoàn thiện chuẩn đầu ra để đổi mới chương trình đào tạo; phối hợp với DN đánh giá và xếp loại người học; Mời đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn tốt và chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy tại nhà trường hoặc tại địa điểm thực tập.
Tóm lại: Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tránh được nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Để chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế. Đặc biệt, để Việt Nam tiếp cận được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chất lượng và hiệu quả trong ĐT nghề giữ vai quan trọng, không thể thiếu. Chính vì vậy, ngay bây giờ và hơn bao giờ hết chúng ta nên tập trung các nguồn lực để khai thác những lợi ích đem lại từ việc cộng tác Nhà trường – DN, đồng thời triển khai đồng bộ các giái pháp đã nêu ở trên.
Nguồn tin: TS. Phạm Xuân Khánh- ThS. Khổng Hữu Lực